Trong phần 2 của cuốn sách “Sống thực tế giữa đời thực dụng” của Mễ Mông có một phần tên là “EQ cao chính là biết cách ăn nói”. Mình thấy nó rất thực tế và hữu ích trong việc giao tiếp. Mình xin tóm tắt một số ý của đoạn đó (và thêm một số ý của mình) để chia sẻ với những ai chưa đọc cuốn sách đó và cũng là cho mình đọc đi đọc lại khi cần.
Đừng nói “Không đúng” hãy nói “đúng”
Khi trao đổi với người khác, bạn có nhớ cảm giác của mình khi người đó phản bác lại ý kiến của bạn không? Bạn cảm thấy thế nào? Có phải bạn sẽ tìm cách để đưa ra chứng cứ, luận điểm để bảo vệ đến cùng ý kiến của mình. Nhiều khi, sau câu nói “không đúng” thì trong đầu bạn chỉ đang nghĩ đến việc sẽ phải nói lại như nào chứ không hề nghe nữa. Điều đó cũng xảy ra tương tự khi bạn nói ý kiến của người khác là “không đúng”, “không chính xác”, “không phù hợp”... Bạn có thể sẽ thắng trong cuộc tranh cãi nhưng bạn đã hoàn toàn thua trong mối quan hệ đó rồi. Hãy học cách đồng tình trước tiên với ý kiến của người khác rồi sau đó đưa ý kiến của mình ra như một sự đóng góp, xây dựng để luận điểm của người khác tốt hơn. Như vậy, bạn vừa không làm mất lòng đối phương lại khiến đối phương nể phục và muốn nghe ý kiến của bạn nhiều hơn.
Nói lời “Cảm ơn” kèm tên người đó
Thường xuyên nói lời “cảm ơn” đã là một biểu hiện rất lịch sự trong giao tiếp. Nhưng để lời nói “cảm ơn” không khiến đối phương cảm giác khách sáo, câu nệ, bạn nên thêm tên của đối phương hoặc nếu không biết tên có thể thêm bạn/anh/chị để họ thấy được sự chân thành.
Dùng ít từ “tôi”, dùng nhiều từ “bạn”, “chúng ta” để khiến người khác cảm thấy họ quan trọng. Thêm vào đó, hãy hỏi ý kiến của người khác khi giao tiếp, họ sẽ cảm thấy được tôn trọng khi nghe câu “Ý bạn thế nào?” hay “Bạn thấy thế nào?”
Lúc khen người khác không nên khen chung chung, hãy khen cụ thể.
“Bạn đẹp quá” ,” Bạn xinh quá”, “Bạn thông minh ghê!” đều chỉ là những lời khen sáo rỗng, khen lấy lệ. “Bạn mặc chiếc váy này rất hợp, khoe được vòng eo con kiến”, “Da bạn đẹp hơn hẳn đợt trước, bạn dùng kem dưỡng da của hãng nào vậy?”, “Câu trả lời của bạn trong buổi phỏng vấn hôm nay thật thú vị. Chắc chắn sẽ khiến ban giám khảo bất ngờ”. Hoặc bạn có thể dùng những lời chê bai để khen ngược sẽ khiến đối phương càng thích thú hơn. Ví dụ, “ Mày bớt đẹp lại được không? Tại sao lần nào gặp cũng rạng rỡ như gái chưa chồng vậy. Chồng lo giữ chắc mệt lắm!”, “Đẹp là một cái tội, vừa đẹp vừa thông minh như cô phạm trọng tội. Cô phải bị giam cầm kẻo người đời ghen tị.” Hãy khiến đối phương cảm thấy tự hào về bản thân họ.
Trước mặt chê bai, sau lưng tán thưởng
Một mối quan hệ bạn bè có thể bền vững được chính là nhờ sự thẳng thắn chỉ ra điểm chưa tốt của bạn mình với mong muốn bạn mình tốt hơn. Nhưng mối quan hệ đó có thực sự là chí cốt hay không, chỉ cần nghe bạn bè mình nói về mình với người khác. Chẳng có bạn bè tốt nào lại đi “khoe khoang” điểm xấu của mình với người khác đúng không?
Dù cãi nhau kịch liệt thế nào cũng không nói những lời làm tổn thương lòng tự trọng của người khác.
Nếu bạn muốn chấm dứt mối quan hệ nào đó mãi mãi, hãy lôi điểm yếu của đối phương ra để khiến đối phương cảm thấy xấu hổ mà hận bạn không bao giờ muốn nhìn mặt.
Chân thành là nói những lời thật lòng chứ không phải khó nghe
Nếu bạn không thể phân biệt được thế nào là chân thành hay thế nào là khó nghe? Hãy nghĩ đến những câu nói cùng một mục đích của người khác như chê bạn da xấu, mập, lùn… lời nào khiến bạn tổn thương, lời nào với bạn là sực góp ý. Nói ra được những lời chân thành mà không mất lòng người khác cũng phải uốn lưỡi 77 49 lần trước khi nói. Sự tinh tế từ đó mà ra.
Nhìn thấu nhưng không nói ra, cho người khác đường lui.
Người làm được điều này trong hầu hết mọi tình huống phải là người có một sự thấu hiểu sâu sắc. Nếu nhân viên đi làm trễ do ngủ dậy muộn mà nói dối là tắc đường, nếu người nhân viên đó không thường xuyên mắc lỗi, bạn hoàn toàn có thể bỏ qua. Họ không thực sự muốn nói dối mà chỉ cảm thấy quá xấu hổ khi nói ra lý do thật. Bạn bè khoe khoang đồ hiệu, nhà đẹp, xe đẹp nhưng thực sự bạn biết thừa họ đi thuê, cũng không nên vạch trần, bởi họ cũng là những người cảm thấy thiếu tự tin nên mới phải dùng vật chất để che lấp.
Trong một buổi xã giao, hãy nghĩ tới cảm nhận của thiểu số.
Khi đứng trong một nhóm người Việt, có một người nước ngoài, bạn chọn nói tiếng Anh hay tiếng Việt? Câu trả lời không phụ thuộc vào ngôn ngữ, tùy số đông mà bạn chọn ngôn ngữ phù hợp nhưng hãy nói cho những người còn lại hiểu để họ không cảm thấy mình lạc lõng hay đang bị nói xấu.
Đừng nói “Bạn có hiểu tôi nói gì không?”, hãy nói “Tôi nói vậy có dễ hiểu/rõ ràng không?”
Khi bạn nói “Bạn có hiểu tôi nói gì không?” ý như chê bai người chậm hiểu, ngu ngốc nên bạn nói mà không phản ứng lại. Nhưng khi bạn nói “Tôi nói vậy có dễ hiểu không?” thể hiện sự tôn trọng, nếu họ không hiểu cũng dễ dàng đề nghị bạn giải thích lại.

Opmerkingen