top of page
Search

Mình đã quản lý tài chính như thế nào?

Writer: Fiona NguyenFiona Nguyen

Bài viết trước mình có đề cập đến việc “Mua nhà trước năm 30 tuổi” và được nhiều bạn quan tâm. Mình rất vui vì những chia sẻ của mình đã truyền động lực đến cho các bạn, những người cũng muốn sớm “Tự do tài chính” giống như mình. Dưới đây mình sẽ chia sẽ những cách mình đã làm để kiếm tiền mua nhà cũng như chuẩn bị cho kế hoạch “Tự do tài chính” trong tương lai. Bài viết mang tính cá nhân nên hãy coi đó như một nguồn tham khảo và nếu có ý kiến khác và thắc mắc hãy comment bên dưới để chúng ta cùng thảo luận nhé!


1. Làm vì kinh nghiệm thay vì tiền 

Từ ngày còn trên ghế Cao đẳng Du lịch Hà Nội, mình đã bắt đầu đi làm thêm các công việc như gia sư, tư vấn viên trung tâm du học… nhưng công việc mình làm lâu nhất và định hướng cho nghề nghiệp tương lai của mình là nhân viên phục vụ. Làm qua nhiều nhà hàng, mình có cơ hội được trau dồi tiếng Anh, học về ẩm thực, về cách chăm sóc khách hàng... Nhớ lại thời làm thêm, mình đã làm qua nhà hàng Ý, Việt và Tây Ban Nha. Tiêu chí mình chọn lúc đó không phải lương bao nhiêu mà là nhà hàng phải đông và phục vụ khách nước ngoài là chủ yếu. Nhà hàng Việt mình làm còn phục vụ cả khách đoàn Nhật, Đức nên mình còn biết một số câu chào hỏi và món ăn bằng hai thứ tiếng đó. Dù trình độ tiếng Anh lúc đó rất kém nhưng đúng là khi được “ném” vào môi trường phải sử dụng thì bạn sẽ xài mọi “body language” và từ ngữ mà bạn có để nói với khách. Bên cạnh đó, gặp nhiều đối tượng khách hàng khác nhau giúp mình biết cách ứng xử linh hoạt, nhớ sở thích của khách quen, giải quyết khiếu nại nếu có… Nhờ quãng thời gian làm thêm đó mà sau này cũng chính sếp tại nhà hàng Ý đầu tiên mình làm đã cho mình cơ hội được vào pre-opening nhà hàng Ý cùng thương hiệu tại Đà Nẵng. Rồi dẫn dắt sau đó là nhiều cơ hội làm việc tại các khách sạn, nhà hàng 5 sao khác. Đúc kết lại 2 tiêu chí mình đã đưa ra khi chọn chỗ là: kinh nghiệm và sếp. Bạn học được gì khi làm ở đó? Sếp ở đó có tạo điều kiện cho bạn học hỏi không? Khi bạn tích lũy càng nhiều kinh nghiệm thì vị trí cũng như mức lương của bạn tự động tăng lên. 


2. Tìm kiếm một mô hình quản lý tài chính phù hơp

Trên mạng có nhiều loại hình quản lý tài chính cá nhân phong phú và chi tiết nên mình sẽ không liệt kê ở đây nữa. Về phía mình, mình không quá chi li về từng khoản chi nên mình sẽ chia nhỏ các khoản khi có tiền lương như sau:

Khoản 1: Chi tiêu cần thiết (khoảng 60%) cho các chi phí như thuê nhà, điện nước, xăng xe và ăn uống. 

Khoản 2: Mua sắm và giải trí (khoảng 10%) cho các khoản mua mỹ phẩm, xem phim, cafe…

Khoản 3: Chi tiêu khẩn cấp (khoảng 10%) để riêng cho những lúc mất việc, ốm đau hoặc có việc khẩn cấp. 

Khoản 4: Đầu tư dài hạn (20%). Đây được coi như một con heo vàng mà mình để từ năm này qua năm khác cho đến khi có cơ hội đầu tư. 

Khi còn là nhân viên, mình chỉ có duy nhất khoản lương nên nếu không chi tiêu hợp lý rất dễ tiêu hoang phí. Do đó, các khoản 2,3,4 thì mình để riêng trong thẻ và mở tài khoản tiết kiệm online, còn riêng khoản 1, mình rút tiền mặt và mỗi ngày bỏ vô ví một ít chi tiêu dần. 


3. Gia tăng các nguồn thu nhập khác

Mình vốn khá thích kinh doanh nên khi có tiền một chút mình đã nghĩ đến đủ các loại hình kinh doanh để thử: từ bán quần áo, mỹ phẩm đến trà chanh… Sau nhiều lần thất bại thì mình cũng thành công với mô hình “quán nướng BBQ”, được khách du lịch rất yêu thích. Kinh nghiệm mình rút ra là: 

Bước 1: Học cách xây dựng mô hình kinh doanh (search Google về Mô hình kinh doanh Canvas). Nếu bạn không thể trả lời đầy đủ các câu hỏi trên đó thì khoan hãy khởi nghiệp. 

Bước 2: Không nên nghỉ việc khi việc kinh doanh/nghề tay trái của bạn chưa mang lại một thu nhập thụ động. Mình đã vừa đi làm khách sạn, vừa trông quán ăn trong suốt hơn một năm trước khi kinh doanh fulltime. 

Bước 3: “Muốn đi nhanh hãy đi một mình, muốn đi lâu hãy đi cùng nhau”. Nếu có thể hãy tìm một vài người có cùng chung chí hướng để cùng nhau làm thay vì làm một mình. Mình may mắn tìm được những người bạn làm chung nhưng ở nhiều ngành nghề khác nhau nên mỗi người phụ trách một mảng khiến công việc tiến triển dễ dàng và nhanh chóng hơn. Tuy nhiên, khi làm chung cũng dễ bất đồng quan điểm nên cần có hợp đồng, điều khoản rõ ràng để tránh sau đó xảy ra chuyện khó xử. 


4. Không ngừng phát triển bản thân

Sau này khi về làm kinh doanh riêng không đi làm công ty nữa nhưng mình không coi công việc kinh doanh là công việc duy nhất. Ngoài kinh doanh, mình nhận set-up, tư vấn cho các nhà hàng, cà phê chuẩn bị mở hoăc training về mảng F&B cho các nhà hàng, khách sạn… Việc đa dạng hóa công việc cũng giúp mình xây dựng thương hiệu cá nhân tốt hơn. Thương hiệu cá nhân tốt mang lại cho mình nhiều cơ hội  về hợp tác kinh doanh, đầu tư... Ngoài ra, mình vẫn tiếp tục học thêm ngoại ngữ, học về kinh tế đầu tư… để theo kịp sự phát triển của xã hội. Việc đầu tư vào bản thân, theo mình, nó quan trọng hơn bất kì công việc nào nhưng nó cũng khó khăn hơn bất kì công việc nào. Bởi nó mất nhiều thời gian mà hiệu quả thì không thấy ngay được. Do đó, số người thành công bao giờ cũng là số ít. 


Mình chưa hẳn là một người thành công hay giàu có để có thể nói những điều lớn lao hơn. Trên đây có thể là những việc mà mọi người đều biết rồi nhưng có thể theo cách này hay cách khác nó chưa mang lại hiệu quả ngay hoặc bạn thấy nó quá đơn giản mà bỏ qua. Mình hi vọng qua bài viết này, nó cũng sẽ truyền cho bạn một chút động lực để tiếp tục làm những việc nhỏ nhỏ mỗi ngày giúp bạn thân mình tốt hơn. Không có thành công nào vừa nhanh và vừa dễ dàng nên hãy kiên trì và “stay persistent” nhé!





 
 
 

Kommentare


Post: Blog2_Post

Subscribe Form

Thanks for submitting!

©2020 by byphuongnabi. Proudly created with Wix.com

bottom of page